Dù sự tồn tại của giếng cổ Bá Lễ Hội An đã hơn một ngàn năm, nhưng mạch nước vẫn chưa bao giờ cạn. Giếng cổ này không chỉ là nguồn nước để cung cấp cho người dân địa phương, mà nước từ giếng cổ còn được người dân sử dụng để chế biến một số ẩm thực địa phương. Đến với giếng cổ nơi được chứng nhận là di tích lịch sử quốc gia này, bạn sẽ khám phá ra được nhiều điều rất thú vị và độc đáo.
1. VỊ TRỊ CỦA GIẾNG CỔ BÁ LỄ HỘI AN
Đến với Hội An, bạn không chỉ thấy những ngôi nhà cổ, hội quán, bảo tàng mà ở đây còn có rất nhiều giếng cổ mà hầu hết được người Champa xây từ nhiều thế kỉ trước. Trong số đó, phải nhắc tới giếng cổ Bá Lễ với thành đá rêu phong, nằm trong một con hẻm nhỏ. Vị trí cụ thể của giếng là nằm ở phần giữa của đoạn đường Phan Châu Trinh, gần với rạp chiếu phim Hội An và cơm gà Bà Buội.
2. NGUỒN GỐC VÀ TÊN GỌI HIỆN TẠI CỦA GIẾNG CỔ BÁ LỄ HỘI AN
Thời gian thực sự mà giếng cổ Bá Lễ được xây thì tới nay vẫn chưa có thông tin nào xác thực. Chỉ nghe các cụ trong làng nói là nó được xây dựng bởi người dân của vương quốc Champa xưa, khoảng thế kỉ 8 đến thế kỉ 9. Chiếc giếng cổ này cho ta thấy được một phần lối sống sinh hoạt của những người Champa xưa.
Thôi một số nguồn tin khác, khi xưa người Champa không chỉ xây giếng để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, mà còn dùng nước ngọt từ giếng để giao thương trao đổi với những thuyền buôn nước ngoài cập cảng Hội An. Dù đã trải qua bao nhiêu biến cố, thăng trầm; khiến một vài viên gạch đã bị rạn nứt, những viên khác thì được phủ bởi rêu phong. Nhưng giếng Bá Lễ vẫn giữ được hình dáng của mấy thế kỉ trước.
Vậy tại sao tên giếng là Bá Lễ? Thật ra Bá Lễ là tên một người phụ nữ đã bỏ ra 100 đồng bạc Đông Dương để giúp trùng tu giếng vào thế kỉ 20. Để ghi nhớ sự đóng góp của người này nên dân địa phương đã đặt tên giếng là Bá Lễ.
3. NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ VỀ GIẾNG CỔ BÁ LỄ HỘI AN
Các giếng cổ tại Hội An có 3 kiểu dáng chính: kiểu hình tròn, kiểu hình vuông và kiểu trên tròn dưới vuông. Ngoài ra thì còn có một số kiểu khác nhưng không phổ biến lắm. Giếng cổ Bá Lễ có kiểu dáng hình vuông, đặc trưng của kiến trúc Champa. Giếng có diện tích tầm 10m2, sâu khoảng 12m và được xây dựng hoàn toàn bằng gạch mà không hề có một thành phần kết dính nào. Nhìn thì thấy kết cấu giếng có vẻ đơn giản, nhưng nó đã trường tồn qua hàng trăm năm.
Và điểm độc đáo khác là giếng cổ Bá Lễ chưa bao giờ cạn. Trước đây quanh giếng luôn luôn có người xếp hàng để lấy nước về sử dụng trong nhà, nhưng nước giếng vẫn không hề trở nên khan hiếm. Sở dĩ nguồn nước ở đây không bao giờ cạn là vì người xưa đã tìm được mạch nước ngầm rất dồi dào. Kiến trúc của giếng cũng là một điểm góp phần tích trữ một lượng nước giường như vô tận ở trong giếng.
Nhờ nguồn nước sạch, trong, không bị phèn, mà rất nhiều gia đình đều mua vài thùng về để trong nhà để sử dụng trong việc sinh hoạt hay nấu nướng. Không những thế, nhờ nguồn nước của giếng Bá Lễ mà Hội An đã sản sinh ra được một món đặc sản mà bạn không thể tìm ở bất cứ nơi đâu: đó là Cao Lầu Hội An.