Làng gốm Thanh Hà – Một trong nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng tại Hội An. Nằm bên dòng sông Thu Bồn, làng gốm Thanh Hà là địa điểm tham quan mà du khách không thể bỏ lỡ khi du lịch Hội An. Với lịch sử gần 500 năm hình thành và phát triển, ở đây sở hữu vẻ đẹp mộc mạc hiếm mà nơi nào có được. Đến làng gốm Thanh Hà, bạn được dẫn dắt bởi sự bình yên của miền quê Việt Nam.
1. Lịch sử nghề gốm Thanh Hà
Theo hồi ức của các vị cao niên, cách đây khoảng 70 năm trở về trước, ở ấp Nam Diêu có đến 50 hộ sản xuất gốm, 30 – 40 bàn xoay chuốt, 8 lò nung sành và hàng chục hộ buôn gốm với tổng lao động là 200 – 300 lao động. Ngoài ra, còn có một số hộ làm nghề sản xuất gốm, sành, gạch, ngói, vôi ở ấp Thanh Chiếm (nay là khối Thanh Chiếm, giáp Nam Diêu về phía Đông Bắc), ấp An Bang (nay là khối An Bang, giáp Nam Diêu về phía Bắc), ấp Hậu Xá (cách Nam Diêu khoảng 1km về phía Đông).
Ngôi nhà tại làng gốm
2. Làng gốm Thanh Hà nằm ở đâu Hội An.
Trước năm 1945 thuộc xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng có không gian sản xuất gốm, sành, gạch, ngói âm dương, vôi phân bổ ở nhiều ấp thuộc phía Tây và Nam của làng như: Nam Diêu, Thanh Chiếm, An Bang, Hòa Yên, Hậu Xá.
Nay làng gốm Thanh Hà nằm bên bờ sông Thu Bồn khu vực sản xuất gốm tập trung tại khối Nam Diêu, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, cách trung tâm Hội An 4 km về phía Tây.
Di chuyển đến Làng Gốm
Để đến với Làng Gốm du khách sẽ di chuyển theo con đường Hùng Vương để đến với đường Duy Tâm từ đó bạn đi tiếp thêm 500m nữa sẽ đến 1 ngã tư sau đó bạn rẻ trái là sẽ đến với Làng gốm Thanh Hà. Trên đường di chuyển (đường Duy Tân) bạn sẽ bắt gặp được những bảng chỉ dẫn đến với làng Gốm thế nên bạn đừng lo việc bị lạc nhé!
3. Quy trình làm ra sản phẩm gốm truyền thống.
- Làm đất: đất được hòa với nước rồi dùng các mai dỡ, mai tỉa, mai chém, nề để băm, chém đất thành từng cục và nhào trộn 3 lần cho sạch, dẻo.
- Chuốt gốm (tạo hình phôi): thợ đẩy đẩy bàn xoay và nặn con đất trên ghế nhồi đất, thợ chuốt ngồi cạnh bàn xoay, đặt con đất vào bàn xoay, hai tay áp vào con đất nặn thành phôi.
- Sửa nguội: phôi được phơi nắng cho khô dần rồi chỉnh sửa cho cân đối, sau đó đem phơi cho cứng hẳn.
- Kỹ thuật tráng men (dùng cho ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly): Men được làm từ đồng, chì, đá son, cao lanh… Nguyên liệu được nghiền mịn, trộn với 50% nước sạch tạo thành men sống hay nói cách khác là làm thành một lớp thủy tinh mỏng để làm bóng và bảo vệ da gốm không thấm nước. Gốm đã qua nung nhẹ lửa được lấy ra nhúng men sau đó đưa vào nung tiếp để cho men chín, bám vào da gốm.
- Nung gốm: gốm, sành được nung trong lò bầu, lò nung sành gọi là lò xanh, lò đỏ dùng nung gốm. Củi nung truyền thống là củi rừng dền, dẻ, trường, trám, nay thợ lò dùng củi dương liễu (phi lao). Mỗi đợt nung lò sành cần 10m3 củi, nung gốm cần 5 – 7m3 củi. Nung gốm, sành theo qui trình: un (sưởi ấm lò), chụm thắt (tạo lửa nhiều để phôi thành phẩm). Khi nung, bằng kinh nghiệm của mình, thợ lò nhìn thấy khói trong suốt thoát ra sẽ đoán biết được độ nóng của lò và gốm đã thành phẩm hay chưa. Trước đây, khi nung sành, người thợ còn sử dụng om thăm (thăm dò trạng thái gốm trong lò khi đang nung) để ở cửa độ, om chịu sức nóng từ lò thoát ra mà chín thì sản phẩm trong lò đã chín và qua trạng thái của om, người thợ cũng đoán biết được sản phẩm đã được nung là tốt hay xấu.
4. Sản phẩm đặc trưng của nghề gốm Thanh Hà.
- Con thổi là loại hình gốm mới, có từ cuối thập niên 90, thế kỷ XX, được chế tạo đơn giản nhưng những sản phẩm này vẫn thể hiện các đề tài văn hóa truyền thống như bộ 12 con giáp, con thổi hình trẻ chăn trâu… được nhiều du khách mua làm lưu niệm.
- Làm ngói âm dương: Ngói âm dương được làm từ đất sét vàng như đất làm gốm và trải qua các công đoạn: Nhồi đất, in phôi, phơi 1 nắng, rập (xếp thành từng hàng, vỗ cho cong thành ngói), vô nề (xếp thành từng hàng riêng), phơi 1 nắng, vô lò nung. Ngói âm dương được nung trong lò bầu (lò nung sành, nung gốm) hoặc lò ngửa nung gạch, ngói có nhiều kích cỡ khác nhau.
- Làm gạch thẻ: Các công đoạn giống như làm ngói âm dương, chỉ khác nhau ở dùng khuôn và không qua công đoạn rập.
- Làm tượng thờ ông Táo: Làm đất sét chín, nhồi đất, in bằng tay, phơi khô 2 ngày nắng, nung.
- Quách gốm cũng là một sản phẩm tín ngưỡng (dùng để cải táng người quá cố) được chế tác: Làm đất sét chín, nhồi đất, Đắp bằng tay (từng miếng), ráp, phơi khô, nung.
Cộng đồng Thanh Hà thờ tổ nghề gốm, hàng năm, vào ngày 10 tháng Giêng Âm lịch, người dân tổ chức tế Xuân, ngày 10 tháng Bảy tế Thu tại Khu miếu Tổ Nam Diêu.
Sự hình thành và phát triển của nghề gốm Thanh Hà trong thế kỷ XVI, XVII đã góp phần làm rõ thêm lịch sử hình thành làng xã và các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở Hội An. Các sản phẩm gạch, ngói Thanh Hà đã góp phần hình thành nên kiến trúc Đô thị cổ Hội An và nhiều đô thị khác ở miền Trung.
Nguồn: cục di sản văn hoá.